Tại Hội thảo Luật Đấu thầu 2023 – Kỳ vọng và Thách thức trong thi hành trên lĩnh vực xây dựng, các chuyên gia đều cho rằng Luật Đấu thầu có nhiều điểm mới, tháo gỡ các nút thắt và mang lại rất nhiều kỳ vọng.
Tại TP. Đà Nẵng, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển và Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức Hội thảo khoa học Luật Đấu thầu 2023 – Kỳ vọng và Thách thức trong thi hành trên lĩnh vực xây dựng; với sự tham gia của các chuyên gia pháp luật đấu thầu và luật xây dựng, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những quy định mà các nhà lập pháp kỳ vọng, cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp xây dựng trong quá trình áp dụng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Công Phàn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, hoạt động đấu thầu được luật hóa lần đầu tiên trong chương VI, Luật Xây dựng 2003. Tiếp đó, Luật Đấu thầu 2003 được ban hành để điều chỉnh hoạt động đấu thầu đáp ứng các đòi hỏi của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế.
Qua 10 năm thực hiện, Luật Đấu thầu 2013 đã bộc lộ khá nhiều bất cập so với sự phát triển của đất nước dẫn đến việc Quốc hội đã phải ban hành Luật Đấu thầu 2023, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu 2013 và có hiệu lực ngày 1/1/2024.
Ông Nhàn đánh giá, Luật Đấu thầu 2023 có rất nhiều điểm mới và được kỳ vọng sẽ mở được nhiều nút thắt cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu năm 2023 cũng có thể có những cắt khúc như theo cách gọi các chuyên gia pháp luật, chuyên gia kinh tế (tức giữa pháp luật và thi hành pháp luật vẫn có những khoảng cách) mà chỉ có thể nhận ra từ hoạt động thi hành luật.
Mặc dù mới có hiệu lực được hơn 5 tháng song do tính chất đặc biệt, Luật Đấu thầu 2023 đã được áp dụng khá nhiều trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình xây dựng. Do vậy, ông Nhàn kỳ vọng hội thảo được tổ chức sẽ đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn các quy định của Luật Đấu thầu áp dụng trong lĩnh vực xây dựng.
TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cũng khẳng định Luật Đấu thầu 2023 hiện có sự quan tâm không chỉ của các doanh nghiệp, người dân mà còn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Tiêu đề hội thảo là kỳ vọng và thách thức, bên cạnh sự kỳ vọng được thể hiện rõ ràng, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho rằng hoạt động đấu thầu trong nhiều năm qua, thực sự những vụ án lớn về mặt kinh tế, tham nhũng “cơ bản liên quan đến đấu thầu, đặc biệt đấu thầu trong lĩnh vực đất đai”.
“Mặc dù Luật Đấu thầu năm 2013 là cơ sở pháp lý khá vững chắc cho hoạt động đấu thầu, tuy nhiên vẫn có sự nảy sinh trong nhiều vấn đề. Đến khi nảy sinh nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống thì Quốc hội ban hành Luật đấu thầu 2023, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Như vậy khi vừa ban hành xong, phải chăng Luật đã khắc phục được hết những cái tồn tại, bất cập của luật trước hay không?”, ông Nam đặt câu hỏi.
Đồng thời, ông Nam cho rằng việc nhận thức của Luật Đấu thầu 2023 giữa quy định về thực tiễn và nhận thức để áp dụng trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề; do vậy, hội thảo rất muốn nhận được ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ThS. Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông tin về 10 điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 về phạm vi điều chỉnh đối tượng và nguyên tắc áp dụng của luật; các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư: hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; quy trình, thủ tục đấu thầu; hồ sơ mời thầu, phương pháp, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu; hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư…
Trong đó có nội dung đáng chú ý như Luật Đấu thầu 2023 đã phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; nếu như Luật Đấu thầu năm 2013 thì chỉ áp dụng đối với Chính phủ.
“Với 10 nhóm nội dung đổi mới, cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu rất kỳ vọng trong kế hoạch tới cộng với các hoạt động phổ biến kiến thức, tăng cường năng lực và quan trọng nhất là nhận thức về tính cần thiết, cạnh tranh trong đấu thầu, tính nghiêm ngặt thì chúng ta sẽ có được những dự án, gói thầu thực hiện thật sự có hiệu quả và đem lại lợi ích phát triển cho đất nước”, ThS.Vũ Quỳnh Lê đề cập.
Là doanh nghiệp chuyên tham gia tư vấn về đấu thấu, Ths.Nguyễn Hồng Chuyên, Tổng giám đốc Công ty Luật Davilaw cho hay, trong bối cảnh sai phạm về đấu thầu diễn ra khá là nhiều, trong quá trình theo dõi và tư vấn, Công ty nhận thấy rằng sự chào đón của chủ đầu tư – bên mời thầu đối với Luật số 22 (ký hiệu của Luật Đấu thầu 2023) rất là tích cực, họ hy vọng hướng dẫn của luật sẽ cởi bỏ được những lo ngại, sợ hãi trong quá trình triển khai.
“Luật đã đem lại làn gió mới khi triển khai trên thực tế”, ông Chuyên nói.
Đồng thời Tổng giám đốc Công ty Luật Davilaw cũng kiến nghị các tổ phổ biến tuyên truyền về luật đến với cá nhân sẽ được thực hiện nhiều hơn; mong muốn các cơ quan thanh tra, kiểm tra về hoạt động đấu thầu hơn ai hết sẽ phải am hiểu pháp luật về đấu thầu.
Theo giải thích của ông Chuyên vì nhiều cá nhân trong đoàn này có cách hiểu không được đúng và đầy đủ, dẫn đến chủ đầu tư, các bên mời thầu e ngại trong việc thực hiện, dẫn đến “máy móc và chậm ”.
Nguồn: baodautu.vn