Đón ngày Thần Tài, giao dịch vàng trong nước khá sôi động. Các “tay to” vẫn tăng nắm giữ vàng khiến giới đầu tư kỳ vọng vàng không chỉ là kênh trú ẩn an toàn, mà còn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm nay.

Cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội giáp ngày Thần Tài

Giao dịch sôi động đầu năm

Cuối tuần qua, giá vàng miếng SJC đóng cửa ở mức 76,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 78,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Khác với mọi năm – vàng tăng giá mạnh vào các ngày sát lễ Thần Tài (10/1 Âm lịch) – năm nay, giá vàng trước dịp lễ này giảm nhẹ so với trước Tết. Mặc dù vậy, sức mua trên thị trường vẫn tăng. Trong hai phiên mở cửa sau Tết Nguyên đán, tại Hà Nội, nhiều điểm bán vàng trên phố Trần Nhân Tông ghi nhận cảnh xếp hàng đông đúc chờ mua.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, không chỉ mua vàng để cầu may ngày Thần Tài, nhiều người vẫn lựa chọn vàng như một kênh đầu tư trong năm nay. Nguyên nhân là thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hồi phục chậm, nền kinh tế còn khó khăn. Chưa kể, giá vàng thế giới trong xu hướng tăng cũng là yếu tố hỗ trợ giá vàng trong nước.

So với đỉnh 80,5 triệu đồng/lượng cuối năm ngoái, giá vàng đã giảm hơn 2%, nhưng so với đầu năm nay, giá vàng vẫn tăng hơn 6%. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, giá vàng tiếp tục tăng trong năm nay.

Trên thế giới, giá vàng dao động quanh mốc 2.004 USD/ounce, tương đương hơn 60 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng thế giới tiếp tục duy trì ở ngưỡng trên 2.000 USD/ounce là dấu hiệu tích cực. Theo các nhà phân tích, giá vàng giảm xuống dưới 2.000 USD/ounce sẽ là mức nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tín hiệu tích cực về việc cắt giảm lãi suất, giá vàng sẽ bật tăng.

Những dự báo về lãi suất USD giảm dẫn đến xu hướng chuyển dịch dự trữ USD sang dự trữ vàng, đặc biệt là các “tay to” – các ngân hàng trung ương trên thế giới. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital cho biết, ngay cả ngân hàng trung ương của một số quốc gia cũng tăng dự trữ vàng thay vì USD như trước đây.

Thực tế, hai năm qua, nhu cầu về vàng vật chất của các ngân hàng trung ương đạt mức cao kỷ lục và dự kiến tiếp tục tăng cao năm nay. Bà Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng thế giới nhấn mạnh, nhu cầu ổn định từ các ngân hàng trung ương sẽ một lần nữa hỗ trợ nhu cầu vàng trong năm nay.

Thận trọng với vàng miếng

Nhận định về diễn biến giá vàng từ cuối năm ngoái đến nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá vàng neo cao là bất ổn địa chính trị leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời nhiều khả năng Fed sẽ giảm 3 lần lãi suất năm nay. Tuy vậy, nhà đầu tư nắm giữ vàng miếng trong nước cần thận trọng vì chính sách có thể thay đổi.

Trong chỉ thị ban hành sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.

Hiện nay, giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu Ngân hàng Nhà nước từ bỏ độc quyền vàng miếng, SJC trở thành thương hiệu vàng của một doanh nghiệp như trước đây (không còn là thương hiệu vàng miếng quốc gia), thì chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới sẽ giảm bớt.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia tư vấn quản lý tài sản cho rằng, nắm giữ vàng nhẫn có lợi hơn nắm giữ vàng miếng trong bối cảnh hiện nay. Nguyên nhân là vàng nhẫn ít chênh lệch mua – bán và ít chênh lệch so với giá thế giới hơn so với vàng miếng SJC.

Dù vậy, ông Nguyễn Thế Hùng (Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam) cho rằng, mua vàng đúng ngày Thần Tài khá rủi ro vì bị đẩy giá cao. Vì vậy, nhà đầu tư nên “canh” thời điểm giá vàng giảm, ít chênh lệch so với giá thế giới để gia tăng nắm giữ.

Nguồn: baodautu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *