Lĩnh vực tài chính ghi nhận hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) sôi động nhất trong năm qua. Các thương vụ M&A nhóm này tiếp tục “nóng” ngay những tháng đầu năm 2024.
Loạt thương vụ lớn
DB Insurance Co., Ltd – một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của Hàn Quốc, nhanh chóng giải ngân tổng cộng gần 2.900 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam trong vỏn vẹn hơn nửa tháng. Ngày 31/1, nhà đầu tư nước ngoài này đã nhận chuyển nhượng 75.006.358 cổ phiếu AIC trên sàn UPCoM, qua đó sở hữu 75% vốn Tổng công ty Bảo hiểm hàng không. Tới ngày 19/2, thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán, DB Insurance Co., Ltd mua 75 triệu cổ phiếu BHI của Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội bằng nhiều lệnh thỏa thuận trong 15 phút đầu phiên, cũng nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%.
Hai giao dịch trên đã giúp hãng bảo hiểm Hàn Quốc sở hữu chi phối hai doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên sàn, đồng thời khởi động thương vụ M&A lớn của ngành bảo hiểm nói riêng và ngành tài chính nói chung. Thương vụ trên thực tế đã được các bên rục rịch chuẩn bị từ trước. Các công ty bảo hiểm đều phải gửi đơn đề nghị đến Bộ Tài chính về việc chuyển nhượng cổ phần trong gần nửa năm qua.
Nhiều thương vụ khác trong ngành tài chính cũng vừa kịp hoàn tất ngay trong những ngày đầu năm. PYN Elite Fund – quỹ đầu tư Phần Lan có nhiều năm hoạt động tại Việt Nam đã hoàn tất giao dịch mua cổ phần Công ty Chứng khoán DNSE hôm 26/1. Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Chứng khoán DNSE và Quỹ PYN Elite Fund diễn ra cuối tháng 12/2023 trước đó đã thống nhất thỏa thuận PYN Elite Fund đầu tư với giá trị tương đương 12% vốn cổ phần DNSE. Dù tỷ lệ khá khiêm tốn, nhưng cũng đã đưa quỹ ngoại trên trở thành cổ đông lớn thứ hai của Công ty Chứng khoán DNSE, sau cổ đông nội Encapital Holdings. Tỷ lệ đầu tư vào DNSE đã nhanh chóng chiếm hơn 5% tổng giá trị danh mục đầu tư của PYN Elite Fund.
Giữa tháng 2 vừa qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) hoàn tất sở hữu 75% vốn Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát thông qua việc trở thành nhà đầu tư duy nhất tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Quy mô vốn điều lệ của Việt Cát đã tăng từ 25 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, bước chân vào top 20 công ty có vốn điều lệ lớn nhất ngành quản lý quỹ.
Một nhà băng khác là HDBank cũng chuẩn bị tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần Chứng khoán HDB bằng hình thức tương tự. Theo phương án vừa được cổ đông Công ty Chứng khoán HDB thông qua cuối tháng 1/2024, HDBank là nhà đầu tư duy nhất tham gia đợt chào bán riêng lẻ 43,8 triệu cổ phần mới. Với giá 15.000 đồng/cổ phần, HDBank sẽ chi 657 tỷ đồng và sở hữu gần 30% vốn điều lệ sau phát hành. Đợt tăng vốn giúp công ty chứng khoán này nâng vốn điều lệ từ 1.023 tỷ đồng lên 1.461 tỷ đồng. Đợt phát hành dự kiến thực hiện vào nửa đầu năm 2024.
Dự kiến hoàn tất muộn hơn (vào nửa đầu năm 2025), thương vụ mua lại Home Credit Việt Nam của The Siam Commercial Bank Public Company Limited, thành viên của SCB X Pcl (SCBX Public Company Limited – SCBX) vừa chính thức được công bố những ngày cuối tháng 2 vừa qua cũng đang làm nóng thị trường M&A.
Nhiều tiềm năng
Năm 2023, thị trường M&A ghi nhận sự đi xuống khá rõ rệt trong bối cảnh chung của toàn cầu. Nguyên nhân bởi nhà đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn khi đối mặt với nhiều bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô thế giới, khiến hoạt động và giá trị giao dịch rơi vào cảnh đình trệ. Mặt bằng lãi suất dâng cao, ngay cả tại các nước phát triển do chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến chi phí tiến hành các giao dịch trở nên đắt đỏ. Tỷ giá biến động cũng gây khó khăn trong việc định giá và quyết định đầu tư xuyên biên giới.
Dù vậy, đối với lĩnh vực tài chính, theo thống kê của KPMG, giao dịch vẫn diễn ra mạnh mẽ khi chiếm 47% giá trị trong 10 tháng đầu năm 2023. Nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu trong các thương vụ lớn năm 2023. Trong đó, thương vụ lớn nhất của năm 2023 là việc SMBC chi 1,45 tỷ USD mua lại 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Tại Báo cáo triển vọng thị trường M&A 2024 vừa công bố, Kirin Capital đánh giá lĩnh vực ngân hàng luôn nằm trong top đầu những ngành được tìm kiếm của các định chế nước ngoài. Tuy nhiên, không dễ cho các nhà đầu tư ngoại tìm được điểm đến ngành này, nhất là với các thương vụ M&A ngân hàng yếu kém do cân nhắc giữa khoản đầu tư ban đầu giúp vực dậy một ngân hàng, đi kèm với khả năng tăng trưởng trong tương lai.
Trong khi đó, Kirin Capital dự báo xu hướng M&A các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục trong thời gian tới và có thể diễn ra mạnh hơn khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Thực tế, các công ty chứng khoán ngoại đã có giai đoạn liên tục gia tăng năng lực tài chính. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của nhiều công ty trong nước, đặc biệt từ làn sóng mở rộng hệ sinh thái của các ngân hàng, không nhiều công ty chứng khoán ngoại hoạt động nổi trội. Song, theo Kirin Capital, điều này không làm cản bước giới đầu tư quốc tế tiếp tục tìm mua những công ty chứng khoán trong nước, chủ yếu với mục đích mua lại giấy phép hoạt động.
Nguồn: baodautu.vn