Lạm phát tăng trở lại vào tháng 2 khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải chờ ít nhất tới mùa hè trước khi bắt đầu hạ lãi suất.

Ảnh minh hoạ

Theo hãng tin CNBC, báo cáo ra ngày 12/3/2024 của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ, thước đo phổ biến về giá cả hàng hóa và dịch vụ, tăng 0,4% trong tháng và 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của tháng 2 đúng như kỳ vọng trước đó, nhưng tỷ lệ lạm phát tính theo năm thì cao hơn một chút so với mức dự báo 3,1% từ một cuộc thăm dò ý kiến của Dow Jones.

Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng thì CPI cơ bản tăng 0,4% trong tháng 2 và tăng 3,8% theo năm. Cả hai đều cao hơn 1/10 điểm phần trăm so với dự báo.

Chi phí năng lượng tăng 2,3% đã làm gia tăng mức lạm phát toàn phần. Chi phí thực phẩm không đổi trong tháng, trong khi chi phí về nhà ở tăng thêm 0,4%.

Báo cáo của BLS chỉ ra, mức tăng giá của năng lượng và nhà ở chiếm hơn 60% tổng mức tăng. Xăng tăng 3,8% trong tháng 2 trong khi giá thuê nhà tăng 0,4%.

“Lạm phát tiếp tục tăng trên 3% và một lần nữa chi phí nhà ở lại là nguyên nhân chính. Với giá nhà dự kiến sẽ tăng trong năm nay và giá thuê chỉ giảm chậm, sự sụt giảm giá nhà được chờ đợi từ lâu sẽ không sớm xuất hiện,” Robert Frick, chuyên gia kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union, cho biết. “Các số liệu về lạm phát như của tháng 1 và tháng 2 sẽ không thúc đẩy Fed hạ lãi suất nhanh chóng.”

Giá vé máy bay tăng 3,6%, giá hàng may mặc tăng 0,6% và xe đã qua sử dụng tăng 0,5%. Dịch vụ chăm sóc y tế, vốn giúp thúc đẩy chỉ số CPI tăng cao hơn dự kiến trong tháng 1, đã giảm 0,1% trong tháng 2.

Mức tăng CPI tính theo năm cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với hồi tháng 1, trong khi CPI lỗi tăng giảm 1/10 điểm.

Ngay sau khi báo cáo về lạm phát được đưa ra, Phố Wall đã phản ứng tích cực với thông tin này ngay từ lúc mở cửa.

Mặc dù lạm phát đã giảm so với mức đỉnh điểm hồi giữa năm 2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào mùa hè này 

Các quan chức Fed trong những tuần gần đây đều đưa ra tín hiệu , việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó trong năm nay và bày tỏ sự thận trọng về việc ngừng cuộc chiến chống lạm phát quá sớm. Tuyên bố sau cuộc họp tháng 1 của Fed chỉ ra, các nhà hoạch định chính sách cần “niềm tin lớn hơn” rằng lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tuần trước, đã lặp lại những lo ngại đó, mặc dù ông đã đề cập rằng Fed có lẽ “không còn xa” thời điểm có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics, cho rằng, báo cáo của BLS “khiến các quan chức Fed không thể đạt được ‘niềm tin lớn hơn’ cần thiết để bắt đầu cắt giảm lãi suất”.

Đối với thị trường tài chính, sự thay đổi quan điểm của Fed từ việc xoay trục chính sách rõ ràng vào cuối năm 2023 đồng nghĩa với việc là tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phải điều chỉnh lại. Hồi đầu năm các nhà giao dịch hợp đồng tương lai dự báo các đợt cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào tháng 3, với tổng số sáu hoặc bảy đợt cắt giảm trong. Giờ đây họ dự báo đợt cắt giảm đầu tiên sẽ xảy ra vào tháng 6 và sau đó là hai hoặc ba đợt cắt giảm nữa trong năm, với mức cắt giảm lần sau cao hơn lần trước 1/4 điểm phần trăm.

Hoạt động kinh tế sôi động làm cho các nhà hoạch định chính sách của Fed không thể vội vàng hạ lãi suất. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 2,5% trong năm 2023 và 2,5% trong quý đầu tiên của năm 2024, theo công cụ theo dõi GDP Now của Fed Atlanta.

Một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay đó là việc người tiêu dùng Mỹ gia tăng chi tiêu do thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ. Nền kinh tế Mỹ đã bổ sung thêm 275.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 2, mặc dù mức tăng chủ yếu tập trung vào các công việc bán thời gian và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9%.

Sức mạnh như vậy có thể là con dao hai lưỡi: Trong khi sự tăng trưởng trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh giúp Fed có thêm thời gian để thực hiện chính sách, nó cũng làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến.

Chi phí nhà ở nói riêng đã gây ra mối lo ngại. Chi phí này chiếm khoảng 1/3 trọng số CPI và giảm tốc khá chậm, ít nhất là theo thước đo của BLS.

Nguồn: baodautu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *