Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là giải pháp mang tính động lực cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy, Chính phủ vẫn đang tiếp tục quyết liệt đốc thúc.
Cú hích từ các đại dự án
Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, hai đoạn tuyến cuối cùng thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn I, vừa được thông xe. Đây không phải là dự án giao thông duy nhất đã được hoàn thành trong thời gian qua. Báo cáo tại Phiên họp toàn thể thứ 14 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đã nhấn mạnh những kết quả tích cực mà kinh tế – xã hội Việt Nam đạt được trong năm 2023, trong đó có sự chuyển biến vượt bậc, đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông.
Năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành giao thông ngay từ đầu năm đã khởi công đồng loạt 12 dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án và cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án, đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai khác đến nay lên gần 1.900 km. Rất nhiều cái tên đã được nhắc đến, như cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn, Vân Đồn – Móng Cái, Phan Thiết – Dầu Giây…
Đồng thời, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng khác, như 3 trục cao tốc Đông – Tây, 2 đường vành đai, cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, Nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành… cũng đã được khởi công.
Nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được đền đáp. Khi các dự án được xây dựng và hoàn thành, không chỉ giúp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, thông qua việc đưa một ngân khoản không nhỏ vào nền kinh tế, mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nói rằng, việc phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc sẽ góp phần quan trọng thiết lập các hành lang kinh tế, mở ra các không gian kinh tế mới cho các địa phương quanh vùng nói riêng và kinh tế – xã hội cả nước nói chung. Vì lẽ đó, đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công luôn được Chính phủ chú trọng.
Ít ngày trước đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội được Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng quy định pháp luật về đầu tư công. Đồng thời, quyết liệt giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội.
“Phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đẩy mạnh giải ngân để thúc tăng trưởng
Số liệu giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2024 chưa chính thức được Bộ Tài chính công bố. Tuy nhiên, thông tin từ Kho bạc Nhà nước cho biết, lũy kế vốn đầu tư công thanh toán cho đến thời điểm này là tích cực, tăng cả về số tuyệt đối và tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm ngoái. Con số của 3 tháng đầu năm là gần 90.000 tỷ đồng, bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn lo lắng, bởi đã xuất hiện tình trạng thiếu cát, vật liệu san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm ở khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
“Cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, liên vùng, liên tỉnh, năng lượng. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả khoản vay ODA 2,5 tỷ USD cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.
Đồng tình với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, mà trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia, để vừa kích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tạo cung dài hạn và hạn chế tác động phụ của các chính sách trọng cầu.
Liên quan đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, khi công bố báo cáo cập nhật về kinh tế – xã hội Việt Nam mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. WB khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công. Điều này sẽ không chỉ hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt về hạ tầng đang phát sinh, mà còn giúp kích thích nền kinh tế, chỉ cần tăng đầu tư công thêm 1 điểm phần trăm GDP có thể dẫn đến GDP tăng thêm 0,1%.
“Nhờ tính hình tài khóa được củng cố trong những năm gần đây, hiện dư địa tài khóa vẫn còn để tiếp tục thực hiện hỗ trợ có mục tiêu”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói và một lần nữa nhấn mạnh, việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo dự báo của WB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay. Trong khi đó, theo dự báo của Standard Chartered, mức tăng trưởng sẽ là 6%, thấp hơn con số 6,7% được dự báo trước đó. Các dự báo khác nhau của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một lần nữa cho thấy, tính bất định và yếu tố rủi ro còn lớn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% đề ra, cần nỗ lực rất lớn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công.
Nguồn: baodautu.vn