Năm 2023, kinh tế có nhiều biến động, nhưng với ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS – Hoa Kỳ) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ (VABA), lại là một năm nhiều dấu ấn. Ông đã thêm một lần góp sức xây dựng hình ảnh quê hương Việt Nam ấn tượng trong mắt cộng đồng quốc tế nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.

Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS – Hoa Kỳ) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ (VABA)

Năm 2023 là năm có nhiều thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với ông, điều gì khiến ông hài lòng nhất trong năm qua?

Tôi luôn tâm niệm rằng, mình là người con đất Việt. Do đó, tôi luôn tranh thủ từng cơ hội có thể để giới thiệu Việt Nam với giới chính trị gia, doanh nghiệp Hoa Kỳ…, để đem những điều tốt nhất về cho quê hương, tạo việc làm cho người dân Việt Nam, mang ngoại tệ về xây dựng đất nước.

Ấp ủ ước mơ đưa chính khách và cộng đồng nhà đầu tư Hoa Kỳ về tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trực tiếp tại Việt Nam là một trong những tâm nguyện lớn nhất của tôi đã được thực hiện trong năm 2023. Trong chuyến công tác đến Việt Nam, Thị trưởng TP. Oakland Sheng Thao đánh giá, Công ty CWS là doanh nghiệp hàng đầu về xử lý chất thải tại khu vực California. CWS cũng là biểu tượng tại California về việc người Mỹ gốc Việt quay trở lại quê hương để đầu tư, kinh doanh.

Chuyến đi đã góp phần mở cánh cửa tương lai, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ.

Trở lại với dự án của VWS tại Việt Nam, trong chuyến về thăm Việt Nam mới đây, ông chia sẻ rằng, trong bối cảnh khó khăn, doanh nhân càng phải tỉnh táo phân tích và phải tìm cho mình hướng đi riêng. Ông có thể cho biết, VWS có hướng đi riêng như thế nào tại Việt Nam?

Là doanh nhân thì phải luôn sáng tạo, chịu khó đi tìm cái mới, tìm cái mà ít ai làm hoặc chưa ai làm để tạo ra cơ hội cho mình.

Chẳng hạn, đối với Dự án Chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện đặt tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM), theo yêu cầu của UBND TP.HCM, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trình Dự án Chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện với công suất 3.000 tấn/ngày, vốn đầu tư hơn 400 triệu USD. Qua quá trình dài nghiên cứu, khảo sát ở nhiều quốc gia, chúng tôi quyết định chọn công nghệ Nhật Bản cho dự án này. Phía đối tác nhận được sự trợ giúp của Chính phủ Nhật Bản, nên sẽ góp phần giảm được giá thành xử lý rác từ công nghệ đốt. Đây cũng là tính ưu việt của Dự án.

Còn Dự án CWS tại Hoa Kỳ thì sao, thưa ông?

Chúng tôi đã tìm ra một hướng đi mới trong quá trình xử lý rác ở Hoa Kỳ. Cụ thể, chúng tôi nghiên cứu tận dụng giấy, cây xanh từ rác hữu cơ để sản xuất viên nén năng lượng thay thế cho than đá. Lợi ích của nó cũng giúp giảm thiểu việc chôn lấp rác và giảm giá thành xử lý rác với công nghệ đốt. Ngoài Hoa Kỳ, tôi dự định triển khai việc sản xuất viên nén năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, chúng tôi vừa hoàn thành nhà máy sản xuất nhà container với tổng vốn đầu tư cho giai đoạn đầu là 25 triệu USD, đặt tại Mexico. Sản phẩm căn hộ này sẽ được chúng tôi cung cấp cho các bang của Hoa Kỳ để giải quyết tình trạng người vô gia cư, được đại diện chính quyền các thành phố và Thống đốc bang California đánh giá cao.

Trong vai trò Chủ tịch VABA, điều ông mong muốn nhất là gì?

Dù ở hoàn cảnh nào, vị trí nào, tâm nguyện lớn nhất của tôi là đóng góp thật nhiều cho quê hương, đất nước. Gần 20 năm về nước đầu tư, tôi luôn hướng đến cộng đồng. Tại TP.HCM, hằng năm, chúng tôi dùng ngân sách hàng tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo… Tại Long An, chúng tôi cũng thành lập Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương. Hơn 10 năm qua, Quỹ đã giúp hàng ngàn người dân nghèo có vốn tăng gia sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ở vai trò Chủ tịch VABA, tôi có nhiều điều kiện hơn trong việc kết nối kiều bào, doanh nhân, kêu gọi bà con về nước đầu tư và xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam – Hoa Kỳ nhiều hơn.

Mong ước lớn nhất của ông trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 là gì, thưa ông?

Mỗi dịp Tết đến, tôi luôn chờ mong trở về quê hương đón năm mới cùng họ hàng, bà con, nhân viên đã gắn bó nhiều năm với mình. Tôi cũng luôn nhớ và “thèm” các món ăn Việt Nam đã in sâu vào ký ức tuổi thơ, mà chỉ có những ngày Tết mới có những món ăn đó. Tôi mong mỏi bà con nghèo ở quê hương có cái Tết đoàn viên, đầm ấm. Tôi cũng sẽ mang những phần quà trao cho gia đình nghèo để họ có một mùa xuân ấm áp hơn.

Nguồn: baodautu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *