Năm 2024 không chỉ là năm có thể chứng kiến sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed, mà còn là năm bầu cử ở Mỹ…

Chủ tịch Fed Jerome Powell và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng vào năm 2017 – Ảnh: Bloomberg.

Năm 2024 sẽ là một năm quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vì theo dự kiến họ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên, năm nay cũng là năm bầu cử Tổng thống Mỹ và việc Fed dịch chuyển chính sách có thể đưa ngân hàng trung ương này vào vị trí tâm điểm chú ý chính trị, khi chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên bước vào giai đoạn tăng tốc.

Tiến độ giảm lãi suất của Fed sẽ quyết định tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ. Về lý thuyết, Fed độc lập với Nhà Trắng, nghĩa là Chính phủ Mỹ không có quyền kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng lên chính sách của Fed. Sự độc lập này nhằm mục đích để Fed có thể sử dụng các công cụ đầy quyền lực của mình để đảm bảo sự ổn định dài hạn cho nền kinh tế, cho dù chính sách của Fed có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến các chính trị gia muốn trở thành chủ nhân của Nhà Trắng. Giới chức Fed luôn bảo vệ mạnh mẽ sự độc lập đó và khẳng định chính trị không phải là một yếu tố chi phối các quyết định của họ.

Tuy nhiên, một bài báo của tờ New York Times nói rằng điều đó không thể ngăn các chính trị gia nói về Fed. Trên thực tế, những bình luận gần đây của các ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào đầu tháng 11 năm nay cho thấy rằng Fed có thể sẽ là một chủ đề nóng của các cuộc tranh biện trong thời gian tới.

Cựu Tổng thống Donald Trump – ứng cử viên số 1 cho vị trí đại diện Đảng Cộng hoà – đã dành nhiều thời gian trong nhiệm kỳ lãnh đạo nước Mỹ mà ông đã có để gây sức ép đòi Fed giảm lãi suất.

CÁC ỨNG VIÊN TỔNG THỐNG NÓI VỀ FED

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn và vận động tranh cử những tháng gần đây, ông Trump lập luận rằng lãi suất vay thế chấp nhà – vốn có sự ràng buộc chặt chẽ với lãi suất của Fed – đang quá cao. Đây là một luận điểm có thể lấy lòng cử tri, bởi sự đắt đỏ của giá nhà ở Mỹ đang là một thách thức đối với nhiều hộ gia đình ở nước này.

Nhưng mặt khác, ông Trump cũng có thể sử dụng một chiến thuật ngược lại nếu Fed bắt đầu hạ lãi suất. Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016, ông đã chỉ trích việc Fed giữ lãi suất thấp, cho rằng việc đó mang lại lợi thế cho Đảng Dân chủ vốn là những người đang nắm giữ Nhà Trắng khi đó.

Tổng thống Joe Biden vốn tránh nói đến Fed, ngoài một vài lần đề cập tới sự độc lập của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, ông Biden cũng đã có ý nói rằng ông muốn lãi suất không tăng thêm. Gần đây, ông nói rằng báo cáo việc làm vẫn khả quan nhưng cho thấy sự tăng trưởng việc làm đã chậm lại là một “điều ngọt ngào” và “cần thiết để giữ tăng trưởng kinh tế ổn định và lạm phát tiếp tục giảm để không khuyến khích Fed tăng lãi suất thêm nữa”.

Những phát biểu như vậy phản ánh một thực tế mà các cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy rõ: giá cả leo thang và lãi suất vay thế chấp nhà cao ngất ngưởng đang gây áp lực lên nền kinh tế và khiến cử tri trở nên bi quan, dù lạm phát gần đây đã giảm tốc và thị trường việc làm vẫn vững vàng một cách đáng ngạc nhiên. Chừng nào những vấn đề liên quan tới Fed như vậy còn khiến người Mỹ bận tâm, Fed còn tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý.

Trong chiến dịch thắt chặt để chống lạm phát bắt đầu vào tháng 3/2022, Fed đã có 11 lần tăng lãi suất, đưa lãi suất quỹ liên bang từ 0-0,25% lên 5,25-5,5%, mức cao nhất trong 22 năm trở lại đây. Hiện nay, áp lực tăng giá cả trong nền kinh tế đã giảm bớt và giới chức Fed có thể sẽ sớm bước vào cuộc thảo luận bao giờ có thể giảm lãi suất và giảm với tốc độ như thế nào.

Trong dự báo đưa ra vào tháng 12/2023, Fed cho rằng sẽ có ba đợt giảm lãi suất trong năm nay, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm. Biên bản cuộc họp tháng 12/2023 của Fed công bố mới đây chưa đề cập đến một khung thời gian nào cho việc giảm lãi suất. Trong khi đó, thị trường tài chính đang kỳ vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 3/2024 và sẽ có sáu đợt giảm trong cả năm.

Ngoài việc tăng lãi suất, Fed còn giảm dần lượng trái phiếu nắm giữ trong bảng cân đối kế toán – quá trình được gọi là thắt chặt định lượng (QT), có thể đẩy lãi suất dài hạn lên và qua đó kiềm chế tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Biên bản cuộc họp tháng 12/2023 cho thấy giới chức Fed phát tín hiệu có thể sớm thảo luận việc dừng QT.

Gần đây, lãi suất cho vay thế chấp nhà ở Mỹ đã giảm xuống do giới đầu tư kỳ vọng Fed sắp hạ lãi suất. Sau khi lập đỉnh 7,8% vào cuối tháng 10 năm ngoái, lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà kỳ hạn 30 năm hiện giảm còn hơn 6,5%.

Fed có thể giải thích cho sự dịch chuyển chính sách của mình dựa trên những thay đổi kinh tế vĩ mô: lạm phát đang giảm nhanh và Fed muốn tránh việc thắt chặt quá mức có thể dẫn tới suy thoái kinh tế, nhưng dù sao đi chăng nữa, sự xoay trục này của Fed vẫn có thể bị đặt vào giữa một lối rẽ chính trị quan trọng đối với nước Mỹ.

FED CẦN CÓ THÔNG ĐIỆP RÕ RÀNG

Các quan chức cũ và hiện tại của Fed đều một mực khẳng định rằng cuộc bầu cử năm 2024 sẽ không thực sự ảnh hưởng đến các quyết sách của Fed. Khi đưa ra các quyết định về lãi suất, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ luôn cố gắng bỏ qua yếu tố chính trị, trên thực tế Fed đã thay đổi lãi suất trong những năm bầu cử trước đây, bao gồm khi Covid-19 mới trở thành đại dịch vào năm 2020.

“Tôi không cho rằng vấn đề chính trị xuất hiện nhiều trong các cuộc thảo luận tại Fed. Phản ứng của Fed trong các năm có hay không có bầu cử đều như nhau cả”, ông James Bullard – người giữ cương vị Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis cho tới năm ngoái – phát biểu.

Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư và chuyên gia ở Phố Wall cho rằng việc cắt giảm lãi suất trước một cuộc bầu cử Tổng thống có thể đặt Fed vào một vị thế khó, nhất là khi những động thái như vậy diễn ra gần thời điểm tháng 11. Họ nhận định rằng Fed càng sớm cắt giảm lãi suất thì câu chuyện đối với Fed sẽ càng dễ dàng hơn. Một số dự báo ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục nói về Fed trong quá trình vấn động tranh cử và sẽ nhấn nhá vào bất kỳ khó khăn kinh tế nào có liên quan đến chính sách của Fed.

Từ đầu thập niên 1990, các Tổng thống Mỹ nhìn chung đề tránh đề cập đến chính sách của Fed. Nhưng ông Trump đã đảo lộn truyền thống đó ngay từ khi ông còn là ứng cử viên Tổng thống và cả trong suốt nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Ông thường đề cập đến Chủ tịch Fed Jerome Powell trên truyền thông xã hội và trong các cuộc trả lời phỏng vấn. Ông cũng không tiếc lời chỉ trích giới chức Fed và thậm chí gọi ông Powell là “kẻ thù”.

Chính ông Trump là người đã đề cử ông Powell vào vị trí Chủ tịch Fed khi bà Janet Yellen hết nhiệm kỳ, nhưng chẳng mấy chốc ông đã tỏ ra thất vọng vì sự lựa chọn này. Sau đó, ông Biden tái đề cử ông Powell nhiệm kỳ thứ hai. Ông Trump đã nói ông sẽ không đề cử lại ông Powell vào cương vị này thêm một nhiệm kỳ nữa nếu ông tái đắc cử Tổng thống.

Dĩ nhiên, đây sẽ không phải là lần đầu tiên Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ trong một môi trường chính trị khó khăn như thế này. Hồi năm 2019, giới kinh tế học đã lo ngại rằng việc Fed cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh chính quyền ông Trump gây sức ép đòi hạ lãi suất, sẽ khiến Fed bị coi là chịu sự chi phối của vấn đề chính trị. Nhưng trong năm đó, Fed vẫn hạ lãi suất.  “Chúng tôi không bao giờ tính đến các cân nhắc chính trị. Chúng tôi cũng không điều hành chính sách tiền tệ với mục đích chứng tỏ sự độc lập của mình”, ông Powell nói khi đó.

Giới kinh tế học nói việc Fed giảm lãi suất trong một năm bầu cử đòi hỏi việc truyền tải thông điệp rõ ràng: Thông qua việc giải thích những gì mình đang làm, Fed có thể xoa dịu mối lo rằng bất kỳ quyết định hay động thái nào của mình đều không bị chi phối bởi yếu tố chính trị. “Mấu chốt của vấn đề là Fed phải hành động rõ ràng và hợp lý, phải trả lời được câu hỏi vì sao lại làm việc đang làm”, nhà kinh tế trưởng về Mỹ của Ngân hàng Deutsche Bank, ông Matthew Luzzetti, nhấn mạnh…

Nguồn: vneconomy.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *